ĐÂY LÀ BỘ BÀI MUỐN CÙNG BẠN HÀN GẮN NHỮNG MỐI QUAN HỆ THÂN THƯƠNG.
Bạn thường ghé thăm viện bảo tàng và nhà hát cùng với ai? Đó đều là những nơi chốn dành riêng cho sự quan sát, lắng nghe, và một ít những cuộc trò chuyện thì thầm. Dường như phải thật thân thiết thì ta mới có thể cùng nhau tận hưởng nhiều điều tuyệt vời của cuộc sống trong yên lặng, mà không cần đến những tương tác qua lại liên tục.
Bạn thân mến, hai hình ảnh này cũng chính là câu chuyện của bộ thẻ bài SEEN (tiếng Anh) và NGHE (tiếng Việt). Ở đây, bạn sẽ cùng ngồi lại trò chuyện với từng người thân yêu nhất, chỉ với một đích cuối cùng là để quan sát và lắng nghe. Nếu bạn đã từng hơn một lần cảm thấy cô đơn trong chính sự hiện diện của những người quan trọng nhất, có lẽ đây là lúc mà bạn nên ngồi lại và thành tâm bày tỏ những điều sâu kín trong tim, dù đôi lúc, chính điều đó có thể khiến người nghe phải buồn. Những nỗi buồn không phải là lý do làm chúng ta xa nhau hơn, mà là việc không được “nhìn thấy”, không được lắng nghe.
“Bạn đã hy sinh những gì để gìn giữ mối quan hệ này?”
“Nếu một ngày chúng ta chọn đi con đường của riêng mình, bạn muốn mình sẽ luôn mang theo ký ức nào?”
“Bạn nhìn thấy mình đã thay đổi như thế nào trong mối quan hệ của hai chúng ta?”
“Bạn muốn mình mở lòng đón nhận điều gì nhiều hơn từ bạn?”
“Nếu đây là cuộc trò chuyện cuối cùng của chúng ta, bạn muốn mình sẽ không bao giờ quên điều gì?’
Cuộc sống là những lần đánh mất và tìm lại. Người ta không thể chỉ giữ nhau bằng những niềm vui. Thỉnh thoảng ta cũng phải cùng nhau đi qua sự trống rỗng của các mối quan hệ mà ở đó, cách lấp đầy duy nhất nằm ở chỗ, bạn có sẵn lòng cho người khác thấy con người thật sau những lớp “áo giáp” của mình hay không. Nghịch lý thay, nếu bạn giữ chặt lấy sự im lặng của mình để tránh phải tổn thương, đó là lúc bạn sẽ nhận lại sự tổn thương lớn nhất. Hy vọng bộ bài này sẽ cho bạn thêm một lý do và công cụ để bắt đầu những cuộc trò chuyện tuy khó khăn nhưng luôn luôn cần thiết.
Mọi trở ngại đều có thể vượt qua, mọi thương tổn đều có thể lành lại, đôi lúc chỉ bắt đầu với một vài từ đơn giản: “Talk to me.”